Hồng hoa hay còn gọi là hoa rum nổi tiếng với nhiều công dụng tuyệt vời trong đời sống và sức khỏe con người. Theo Đông y, hồng hoa có vị cay, tính ôn; vào Tâm và Can. Công dụng hoạt huyết hóa ứ và chỉ thống. Điều trị các chứng huyết ứ, huyết ứ gây ra các chứng đau như đau quặn bụng, tức ngực, đau bụng kinh, vô kinh, kinh lâu ngày không cầm được. Ngoài ra, nó còn là vị thuốc chữa chấn thương, sưng tấy, bầm tím (tụ máu) chảy máu. Liều dùng 3 – 10g / ngày; có thể nấu chín hoặc sắc.
Mục Lục
Mô tả dược liệu cây hồng hoa
Đặc điểm thực vật
Hồng hoa được biết đến là một vị thuốc quý, cây nhỏ và sống hằng năm. Chiều cao của cây ở khoảng từ 0,6 đến 1m hoặc hơn. Thân đứng, nhẵn và có vạch dọc, phân cành ở phía ngọn.
Lá của cây hồng hoa mọc so le nhau và gần như không có cuống, gốc lá tròn ôm lấy thân cây. Phiến lá có hình bầu dục hoặc hình trứng dài khoảng 4 – 9cm, rộng khoảng 1 – 3cm, chóp nhọn sắc còn mép lá thì có hình răng cưa nhọn nhưng không đều. Mặt lá nhẵn, có màu xanh lục sẫm, các gân lá ở chính giữa thường lồi cao.
Cụm hoa thường mọc ở ngọn hoặc chót cành và bao chung với nhiều vòng lá bắc có hình dạng cũng như kích thước khác nhau. Lá bắc có gai ở bên mép hoặc ở chóp. Hoa của cây thì nhỏ, có màu đỏ cam, đính trên đế hoa dẹt. Quả của cây hồng hoa là dạng quả bế, hình trứng và có 4 vạch lồi.
Bộ phận sử dụng
Hoa chính là bộ phận của cây hồng hoa được sử dụng để làm vị thuốc.
Phân bố
Ở nước ta, trước đây, cây hồng hoa được trồng rất nhiều ở tỉnh Hà Giang. Nhưng đến nay thì dược liệu được nhân giống rộng rãi ở nhiều nơi khác. Tuy nhiên, phổ biến nhất vẫn là ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc.
Thu hái và sơ chế
Cây hồng hoa thường được thu hái vào đầu mùa hè mỗi năm. Chỉ hái khi những cánh hoa đã chuyển từ sắc vàng sang sắc đỏ. Không nên thu hái những bông hoa đã rụng bởi tác dụng dược lý đã giảm đi nhiều.
Thu hái xong, người dùng cần tiến hành khâu sơ chế dược liệu. Chỉ nên giữ lại cánh hoa và hạt còn phần đài hoa thì bỏ đi. Cánh hoa đem gói thành từng bánh hoặc giã nát rồi vắt thành miếng. Phần hạt của cây hồng hoa chứa rất nhiều protein và dầu. Vì thế nên giữ lại để ép lấy dầu sử dụng hằng ngày để tận dụng hết giá trị của cây hồng hoa.
Một số bài thuốc về hồng hoa
Trị đau bụng kinh, huyết hôi sau đẻ
Bài 1: Hồng hoa 6g, xuyên khung 4g, đương quy 12g, hương phụ 12g, diên hồ sách 12g. Sắc hoặc ngâm rượu uống, trước khi thấy kinh. Trị đau bụng kinh.
Bài 2: Hồng hoa 4g, ích mẫu thảo 20g, sơn tra 20g, đường đỏ vừa đủ. Sắc uống. Trị sau khi đẻ huyết hôi không ra hết.
Trừ ứ khi bị đánh, ngã chấn thương
Bài 1: Hồng hoa 12g, đào nhân 12g, sài hồ 12g, đương quy 12g, đại hoàng 8g. Dùng rượu loãng sắc uống.
Bài 2: Hồng hoa 250g, đào nhân 250g, quy vĩ 250g, chi tử 500g. Nghiền chung thành bột mịn; thêm bột mì quấy hồ với giấm, đắp lên vết thương.
Dùng cho nốt sởi khó mọc, nhọt độc sưng
Gồm: Đương quy 8g, hồng hoa 12g, tử thảo 12g, lá đại thanh 12g, liên kiều 12g, ngưu bàng tử 12g, hoàng liên 6g, cam thảo 4g, cát căn 12g. Sắc uống. Trị sởi có nốt tạp không vỡ.
Một số bệnh khác
Dùng khi va chạm sưng đau gồm: Hồng hoa 30g, rượu trắng 500ml, ngâm trong 7 ngày. Mỗi lần uống 20 – 30ml. Ngày 2 – 3 lần.
Trị đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau tức ngực, đau quặn bụng, đau bụng kinh: Hồng hoa 10g, xuyên khung 10g, ngưu tất 10g. Các vị ngâm với 500ml rượu trắng trong 7 ngày. Uống sáng chiều, mỗi lần không quá 15ml trước bữa ăn 15 – 30 phút.
Dùng cho chị em kinh nguyệt không đều do huyết hư huyết ứ: Gạo nếp 100g, hồng hoa 4g, đương qui 12g, đan sâm 15g. Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã, cho gạo vo sạch vào nấu cháo. Khi chín cho thuốc vào, nấu vừa ăn. Ăn khi đói.
Trị kinh nguyệt kéo dài sau kỳ, kinh ít, sẫm màu, có huyết khối. Kèm theo đau trướng tức vùng tiểu khung và vùng bụng ngực, liên sườn, đau vú: Hồng hoa 12g, hương phụ 18g, gạo nếp 60g. Dược liệu sắc lấy nước bỏ bã. Gạo vo sạch nấu cháo, khi chín cho nước thuốc vào, nấu vừa ăn. Ngày ăn 1 lần khi đói. Ăn trước kỳ kinh.
Dùng cho người huyết hư thiếu máu: Hồng hoa 10g, gừng tươi 8g, đậu đen 50g. Hồng hoa, gừng gói trong vải xô, nấu chín, vớt bỏ gói bã thuốc, thêm muối và chút gia vị. Ngày ăn 1 lần, liên tục trong 10 ngày.
Kiêng kỵ: Phụ nữ có thai hoặc kinh nguyệt nhiều quá không được dùng hồng hoa.