Cây Đinh Lăng được ví như “nhân sâm” của Hải Thượng Lãn Ông – vị đại danh y của dân tộc ta. Sở dĩ vị thuốc này có tên như vậy vì Đinh lăng là một loại dược liệu quý, có tác dụng tăng cường sinh lực, trí tuệ. Lá đinh lăng thường được sắc uống cho phụ nữ sau sinh để cơ thể khỏe mạnh, có nhiều sữa. Rễ cây rửa sạch, thái nhỏ, ngâm rượu bồi bổ cơ thể, hoạt huyết, tăng lực. Cùng theo dõi bài viết bên dưới để biết được các bài thuốc hay từ vị thuốc này nhé.
Mục Lục
Cây Đinh lăng là gì?
Đinh lăng có tên khoa học là Polyscias ịrmicosa (L.) Harms (Panax fruticosum L), thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae).
Cây đinh lăng được gọi với nhiều cái tên khác nhau như nam dương sâm, cây gỏi cá, thuộc họ Cuồng cuồng hay Nhân sâm, được trồng làm cảnh ở nhiều gia đình và làm thuốc trong y học cổ truyền.
Trong dân gian có nhiều loại cây có tên Đinh lăng, tuy nhiên loại phổ biến và dùng làm thuốc là đinh lăng lá nhỏ hay còn gọi là cây gỏi cá.
Hoạt chất có trong Đinh lăng
Vỏ rễ và lá đinh lăng chứa hơn 8 loại saponin (trong có nhiều loại saponin tương tự nhân sâm), alcoloid, các vitamin B1, B2, B6, vitamin C, 20 acid amin, glycocid, alcaloid, phytosterol, tanin, acid hữu cơ, tinh dầu, nhiều nguyên tố vi lượng và 21,10% đường. Trong lá còn có saponin triterpen (1,65%), một genin đã xác định được là acid oleanolic.
Lưu ý sử dụng cây Đinh lăng
Theo các chuyên gia, mặc dù nước lá cây đinh lăng rất tốt cho sức khỏe nhưng trong cây đinh lăng có chứa nhiều Saponin, dùng quá liều sẽ gây ra các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, suy nhược cơ thể, người mệt mỏi khó chịu.. Chỉ nên sử dụng nước lá đinh lăng với liều lượng cho phép, lạm dụng sẽ gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn như buồn nôn, tiêu chảy, phá vỡ hồng cầu.
Với trẻ em, chỉ có thể sử dụng lá cây đinh lăng ngoài da, phơi khô để dưới gối cho trẻ và nhất định không cho trẻ uống loại nước lá này
Không dùng nước lá cây đinh lăng cho phụ nữ mang thai ba tháng đầu. Dù chưa có nghiên cứu nào cho thấy phụ nữ mang thai không được uống nhưng để đảm bảo an toàn thì tốt nhất không nên sử dụng tùy tiện.
Công dụng của cây đinh lăng
Trước đây người dân thường trồng làm cảnh ở góc hè. Khoảng 15 năm gần đây khi người dân bắt đầu biết đến tác dụng của đinh lăng thì phong trào trồng và thu hoạch đinh lăng làm thuốc mới nhiều.
Cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm. Phía bắc thường dùng lá ăn với thịt chó hoặc thịt mèo.
Theo y học cổ truyền lá đinh lăng có tác dụng phát tán phong nhiệt, chữa đau đầu, cảm nắng. Dùng lá sắc đặc uống có tác dụng tiêu nhọt, áp xe vú.
Lá sắc uống có tác dụng điều trị tiểu máu, tiểu buốt dắt do viêm tiết niệu do sỏi.
Thân cây thái lát phơi khô rồi sao vàng hạ thổ dùng điều trị các bệnh lý về xương khớp, điều trị đau lưng mỏi gối, đau nhức các khớp.
Củ cây đinh lăng có giá trị cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly.
Củ rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Một số bài thuốc
Bài 1: Chữa mệt mỏi cơ thể
Củ rễ đinh lăng thái mỏng, phơi khô 5 gam cho vào 100ml nước sôi ngâm 15 phút, uống chia 2 hoặc 3 lần trong ngày.
Bài 2: Thông tia sữa, căng tức bầu vú
Rễ cây đinh lăng 30 – 40 gam, thêm 500 ml nước đun sôi cô cạn còn 250ml. Uống nóng chia 2 đến 3 lần trong ngày, đến khi vú hết đau nhức và sữa chảy ra bình thường.
Bài 3: Chữa vết thương
Dùng lá cây đinh lăng giã nát, đắp vết thương.
Bài 4: Đau đầu, đau nửa đầu
Lá phơi khô sao vàng hạ thổ 100g, sắc với 100ml nước uống trong ngày.
Bài 5: Chữa lỵ đường ruột mạn
Đinh lăng rễ 30 gam sao vàng hạ thổ, rau sam 1 nắm sao vàng hạ thổ; cỏ sữa lá nhỏ 1 nắm sao vàng hạ thổ, búp ổi 7 ngọn với nam, 9 ngọn với nữ. Lá trắc bách sao đen 50 gam, cây ba gạc 30 gam, cam thảo đất 30 gam. Sắc với 1 lít nước cô cạn còn 300 ml uống chia 2 lần trước ăn.
Cảm ơn đã theo dõi bài viết của pylongs.com